Thư cảm ơn!
Trân trọng cảm ơn Thầy Vưu Tấn Lộc hiệu Vưu Thanh Dịch học sỹ, cái duyên với dịch lý kết nối được gặp thầy tại Câu lạc bộ đọc sách 5a.m đã mở con đường để trò tiếp cận vào với dịch lý học.
Tiếp cận 2 cuốn sách: Kinh dịch đạo của người quân tử của Nguyễn Hiến Lê và Kinh dịch của Ngô Tất tố từ rất nhiều năm bởi sự lôi cuốn của môn khoa học cổ huyền bí đó. Nhưng do kiến thức cổ học của bản thân hạn chế, nên trò cứ mở ra rồi gấp lại, vì nhiều lý do, nhưng cái chính là sự trìu tượng của nó và vì bản thân chưa có lối vào để đọc và hiểu nó. Với cách dạy của Thầy Vưu Thanh Dịch học sỹ qua online, buổi đầu (1 đến 2 giờ học) trò đã hiểu thế nào là bát quái, chìa khoá để nghiên cứu chính là (trích nguyên lời thầy):
… “ Mọi sự hóa thành đều phải theo công thức sau: Bộ mặt cũ ± Manh nha ˂=˃ Bộ mặt mới và cũng là cách hình thành một tượng đơn (đơn quái trong bát quái)
Trong đó: Bộ mặt cũ: vạn hữu trước khi biến hóa, biến đổi; Bộ mặt mới: vạn hữu sau khi biến hóa, biến đổi; Manh nha: tác nhân gây nên sự biến hóa (có thể là ý tưởng, là hạt bụi, là chênh lệch nhiệt độ…) dù là xuất phát từ nội tại hay ngoại vi. Vậy bất cứ một hoá thành nhiệm nhặt nào cũng phải có tối thiểu 3 đại lượng…”.
Liên hệ thấy trong “dịch” của “bát quái” thể hiện tính biện chứng là sự vật luôn phát triển, vận động, thay đổi liên tục, không đứng im sự chuyển hoá đó tạo ra hiện tượng. Sự vật, hiện tượng cũng chuyển hóa lẫn nhau.
Sau buổi học thứ 3, cho trò nhận thức việc sử dụng, vận dụng “dịch” trong “bát quái” cho thấy sức linh hoạt, mềm dẻo, biện chứng và uyển chuyển. Mặc dù “dịch” trong “bát quái” chính là kết quả của sự tư duy, tính toán kỹ càng, cần sự chính xác theo quy luật định sẵn, tuy nhiên nội dung mà sự “dịch” trong “bát quái” phản ánh lại là khách quan do hiện thực khách quan mà “bát quái” quy định.
Trò mong rằng học được nhiều hơn nữa để hiểu kỹ hơn, thực sự cảm nhận tính khách quan về cơ sở, về nguồn gốc, về nội dung của mỗi “quái” khi ta vận dụng, còn hình thức phản ánh chủ quan khi đặt mỗi con người, mỗi việc vào hoàn cảnh cụ thể.
Kính thầy Vưu Thanh Dịch học sỹ, trò tỏ lòng biết ơn kính chúc thầy luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, phát tâm đóng góp nhiều hơn cho lĩnh vực Dịch lý Việt Nam!
Nguyễn Thị Kim Yến.